Friday, 19/04/2024 - 22:29|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Kế Sách

TÌM HIỂU VỀ PHÂN MÔN LỊCH SỬ TRONG MÔN LỊCH SỬ VÀ ĐỊA LÍ THUỘC CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI

       Sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nước ta đã thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

       Cũng trong khoảng thời gian trước và sau khi nước ta tiến hành đổi mới, thế giới chứng kiến những biến đổi sâu sắc về mọi mặt. Các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư nối tiếp nhau ra đời, kinh tế tri thức phát triển mạnh đem lại cơ hội phát triển vượt bậc, đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với mỗi quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển. Mặt khác, những biến đổi về khí hậu, tình trạng cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái và những biến động về chính trị, xã hội cũng đặt ra những thách thức có tính toàn cầu. Để bảo đảm phát triển bền vững, nhiều quốc gia đã không ngừng đổi mới giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang bị cho các thế hệ tương lai nền tảng văn hoá vững chắc và năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của thiên nhiên và xã hội. Đổi mới giáo dục đã trở thành nhu cầu cấp thiết và xu thế mang tính toàn cầu.

       Trong bối cảnh đó, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khoá XI) đã thông qua Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngày 27 tháng 3 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

       Mục tiêu đổi mới được Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội quy định: “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mĩ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.”

       Nhằm nâng cao năng lực về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực học sinh tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới; năng lực về việc tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, nhóm giáo viên Lịch sử thuộc tổ Sử - Địa – GDCD trường Trung học cơ sở Kế Sách đã được Sở giáo dục bồi dưỡng và chủ động tìm hiểu, nghiên cứu về phân  môn Lịch sử trong môn Lịch sử và Địa lý thuộc chương trình giáo dục phổ thông mới để từng bước tiếp cận và thực hiện trong quá trình giảng dạy.

       1. Vị trí:

       Giáo dục Lịch sử và Địa lý được cấu tạo thành một môn học bắt buộc từ tiểu học ( lớp 4,5) đến trung học cơ sở (6,7,8,9).

       2. Vai trò:

       Môn Lịch sử và Địa lí gióp phần hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh trong giai đoạn giáo dục cơ bản, tạo tiền đề cho học sinh tiếp tục học giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung của học sinh đã được xác định trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, đồng thời góp phần hình thành, phát triển ở học sinh tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về truyền thống dân tộc, thái độ tôn trọng sự đa dạng của lịch sử thế giới và văn hóa nhân loại, khơi dậy ở học sinh ước muốn khám phá thế giới xung quanh, vận dụng những điều đã học vào thực tế.

       3. Tính chất:

       Môn Lịch sử và Địa lí còn thể hiện ở các tính chất đặc trưng của chương trình:

       - Tính dân tộc, nhân văn.

       - Tính hệ thống, tính cơ bản.

       - Tính khoa học và tính hiện đại.

       - Tính thực hành.

       - Tính mở và tính liên thông.

       4. Quan hệ với môn học / hoạt động giáo dục khác:

       Môn Lịch sử và Địa lí có mối quan hệ rất rộng với với các môn học khác như: Ngữ văn, Toán, Khoa học tự nhiên, Tin học, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng và an ninh  đặc biệt còn góp phần giáo dục thẩm mĩ cho học sinh trước những giá trị thẩm mĩ của thiên nhiên, văn hóa, thông qua việc học sinh tiếp xúc với các nguồn tư liệu phong phú khác nhau về các nước trên thế giới, về các vùng miền của đất nước.

       5. Yêu cầu cần đạt về phẩm chất năng lực:

       - Phẩm chất: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

       - Năng lực chung: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

       - Năng lực đặc thù: năng lực tìm hiểu lịch sử, năng lực nhận thức và tư duy lịch sử, năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học.

       6. Nội dung giáo dục Lịch sử:

       Mạch nội dung của phân môn Lịch sử được sắp xếp theo logic thời gian lịch sử từ thời nguyên thủy, qua cổ đại trung đại, đến cận đại và hiện đại. Trong từn thời kì, không gian lịch sử được tái hiện từ lịch sử thế giới, khu vực đến Việt Nam để đối chiếu, lí giải, làm sáng tỏ những vấn đề lịch sử.

       7. Phương pháp giáo dục:

       - Đề cao vai trò chủ thể học tập, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; tập trung rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bồi dưỡng phương pháp học tập, năng lực tự học để học sinh có thể tiếp tục tìm hiểu mở rộng vốn văn hóa cần thiết cho bản thân.

       - Giáo viên cần vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học mới một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể; phối hợp sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống như thuyết trình, đàm thoại…theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động chủa học sinh, với việc tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học tiên tiến đề cao vai trò chủ thể học tập của học sinh như thảo luận, tranh luận, đóng vai, dự án,..., đồng thời đa dạng hoá và sử dụng linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học, kết hợp các hình thức học cá nhân, học nhóm, học ở lớp, học ngoài thực địa, học theo dự án học tập,... chú trọng các phương pháp dạy học có tính đặc trưng cho bộ môn.

       Chương trình khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, sử dụng hợp lí và có hiệu quả các thiết bị dạy học như mô hình hiện vật, tranh lịch sử, ảnh, băng ghi âm lời nói của các nhân vật lịch sử,...; bản đồ, sơ đồ, các bản thống kê, so sánh,...; phim video; các phiếu học tập có các nguồn sử liệu; phần mềm dạy học,... nhằm minh hoạ bài giảng của giáo viên và hỗ trợ các hoạt động học tập của học sinh.

       Chương trình và Sách giáo khoa mới sẽ triển khai từ năm học 2020-2021 ở lớp 1. Môn lịch sử bắt đầu thực hiện từ năm học 2021-2022 ở lớp 6 và lớp 10. Như vậy việc dạy học sẽ có một thời kì giao thời và đan xen giữa chương trình hiện hành (CT 2006) và chương trình mới (CT 2018) trong nhiều năm. Vấn đề đặt ra là cần phải thực hiện chương trình hiện hành theo định hướng phát triển năng lực ngay từ năm học này, thực hiện thường xuyên, không chờ đến khi có SGK mới.

Trần Uyên Minh         

Lượt xem: 976
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 137
Hôm qua : 99
Tháng 04 : 1.498
Năm 2024 : 19.299